Trong một nghiên cứu gần đây, Hiệp hội sản phẩm khuyến mại quốc tế (PPAI) đã đặt câu hỏi với những người tham gia khảo sát: “Lý do khách hàng giữ lại quà tặng quảng cáo là gì?”. Câu trả lời thu thập được như sau:
- 75.4% vì tính hữu ích/hữu dụng của quà tặng
- 20.2% vì sự thu hút/hấp dẫn của quà tặng
- 1% lưu ý đến chức năng cung cấp thông tin của quà tặng
- 3.3% vì lý do khác
Như vậy, có thể coi hai tiêu chí sau là quan trọng nhất khi doanh nghiệp triển khai kế hoạch sản xuất quà tặng quảng cáo: Tính hữu ích và Sự thu hút
1. Tính hữu ích của quà tặng
Theo định nghĩa, quà tặng quảng cáo trước tiên phải dùng được, tức phải hữu dụng. Quà tặng càng hữu ích, thiết thực và gần gũi với nhu cầu sử dụng hàng ngày của khách hàng thì hiệu quả quảng cáo càng cao, người dùng càng giữ và sử dụng chúng lâu hơn.
Cũng theo một thống kê vào cuối năm 2015 của PPAI, 3 vị trí đầu tiên trong danh sách quà tặng quảng cáo được doanh nghiệp chọn sản xuất nhiều nhất gồm có:
+ 32.04% Vật dụng để mặc (áo thun, váy, đồng phục, mũ, giày, v.v.)
+ 7.67% Vật dụng viết lách (viết chì, viết mực, miếng chặn sách, v.v.)
+ 7.67% Các loại túi, túi xách
2. Sự thu hút của quà tặng
Được quyết định bởi hai điều: thiết kế và chất lượng.
Thiết kế quyết định ấn tượng đầu tiên, còn chất lượng phản ánh giá trị sử dụng về lâu dài của quà tặng đối với khách hàng. Đặc biệt với các chiến dịch sử dụng quà tặng để kích thích mua sắm 2 yếu tố kể trên quyết định việc khách hàng có “vì quà tặng” mà mua hàng hay không.
Một điều nữa, đó là quà tặng quảng cáo chính là cầu nối, là hình ảnh đại diện của doanh nghiệp đến khách hàng. Vì vậy, một món quà kém thẩm kỹ, kém chất lượng, sản xuất cẩu thả khi đem tặng là điều không thể chấp nhận được.
Quà tặng của Công ty LOREM
Ngoài hai yếu tố trên, những tiêu chí sau cũng cực kì quan trọng và cần được cân nhắc thêm:
3. Quà tặng phải phù hợp với người được tặng
Trong nghệ thuật tặng quà, việc tặng một món quà đúng sở thích và phù hợp với người được tặng là vô cùng quan trọng, nó thể hiện sự tinh tế, thấu đáo và quan tâm của người tặng. Với doanh nghiệp, nó thể hiện cả ĐẲNG CẤP của doanh nghiệp.
Tùy thuộc vào tập khách hàng mà doanh nghiệp nên lựa chọn quà tặng phù hợp. Ví dụ: tập khách hàng đa số là nam – tặng cà-vạt, đồng hồ, nón thể thao; tập khách hàng là nữ – tặng hoa, nước hoa, mỹ phẩm, trang sức; khách hàng là doanh nhân – tặng sổ tay, bút, hộp đựng danh thiếp v.v.
4. Quà tặng cần liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp
Quà tặng quảng cáo nên có mối liên hệ nhất định đến sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp. Điều đó thể hiện tính nhất quán về mặt thương hiệu, và hiệu quả của việc sử dụng quà tặng quảng cáo mới được phát huy tối đa.
Ví dụ: doanh nghiệp bán xe máy nên tặng nón bảo hiểm, áo mưa; trung tâm thể dục thể hình tặng áo, quần, giày hoặc dụng cụ thể thao, mua sách tặng miếng đánh dấu trang, v.v.
Qùa tặng của các nhãn Audi, VAIO, Heineken, CORE
5. Tặng quà theo sự kiện
Vốn dĩ hoạt động marketing là “nương” theo những ngày lễ, những sự kiện đặc biệt như lý do hay dịp để thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và tri ân khách hàng. Việc tặng quà có liên quan đến một dịp nào đó dễ tạo sự phấn khích với khách hàng, và đem lại hiệu quả tức thời cho chiến dịch marketing. Các doanh nghiệp tiêu dùng nhanh vẫn thường áp dụng “chiêu” này vào những dịp lễ lớn như 14/2, 1/6, Trung thu, Giáng sinh… hay những sự kiện thể thao, âm nhạc đặc biệt như World Cup, EURO, liveshow của các ca sĩ.